Header Ads

Header Ads

Thi công sân cỏ nhân tạo chuyên nghiệp

Sân cỏ nhân tạo mê hoặc giới trẻ

Vài tháng nay ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh... Xuất hiện khá nhiều sân bóng đá mini được làm bằng cỏ nhân tạo. Các sân bóng này có sức hút mãnh liệt đối với những người đam mê bóng đá đủ mọi thành phần.

 

Cựu cầu thủ Lương Trung Tuấn dạy đá bóng miễn phí cho trẻ em Khmer ở Trà Vinh - Ảnh: V.T.

Có không ít bạn trẻ giã từ quán nhậu, quán bar đến với sân bóng. Và cũng vì muốn được đá bóng trên sân cỏ nhân tạo mỗi cuối tuần, nhiều trẻ em nghèo đã quay trở lại trường học.

Đam mê quả bóng, bỏ tiền mở sân

Giã từ nghiệp chơi bóng, cựu cầu thủ đội Cảng Sài Gòn và Hải Quan Cổ Hoàng Tuấn “rủ rê” sếp cũ Lê Văn Thái bỏ tiền đầu tư làm sân bóng trên mảnh đất vườn 7.000m2 ở phường 6, thành phố Mỹ Tho, vừa kinh doanh, vừa tạo sân chơi cho giới trẻ. Anh Tuấn tâm sự: “Tôi làm sân bóng vì đam mê quả bóng, muốn có chỗ dạy tụi nhỏ đá bóng và có chỗ cho thanh niên chơi mỗi buổi chiều. Tôi thấy xót khi nhìn các em phải xách giày đi khá xa mới có sân cát hoặc đá trên con đường nhựa trước cửa sân vận động tỉnh rất dễ chấn thương”.

Thấy Tuấn bàn có lý, ông Thái gật đầu lo 3 tỉ đồng làm một lúc năm sân bóng đá mini. Các sân này vừa khánh thành cuối năm 2009. Tuấn tình nguyện làm quản lý sân cho ông Thái để có điều kiện mở một lớp dạy trẻ em đá bóng trên sân cỏ nhân tạo theo nguyện vọng của phụ huynh. “Giã từ sân cỏ lâu rồi nhưng tôi vẫn không thể nào xa được trái bóng. Mở sân bóng cho các em chơi, nhưng khi thiếu người các em mời thì tôi cũng xỏ giày vô đá, vui lắm!” - Tuấn tâm sự.

Cũng vì nghiệp quần đùi áo số đã “ăn sâu vào máu thịt”, nên gia đình của cựu HLV đội Đá Mỹ Nghệ và Đồng Nai Lương Trung Minh đã gom tiền bỏ Sài Gòn về Trà Vinh xa xôi mở hai sân bóng đá mini cỏ nhân tạo. Ông Lương Trung Minh cho biết toàn bộ số tiền đầu tư hai sân bóng ở đường Sơn Thông, phường 7, thị xã Trà Vinh là của hai người con là cựu tuyển thủ Lương Trung Tuấn và Lương Minh Trung (đang chơi cho B.Bình Dương) đóng góp.

“Tôi sinh ở Vĩnh Long nhưng làm việc trong ngành thể dục thể thao Trà Vinh hơn chục năm. Tôi có chút thành công trong bóng đá cũng nhờ Trà Vinh, nên khi hai đứa con đề nghị làm sân bóng ở Trà Vinh cho tụi nhỏ có chỗ chơi, tôi gật đầu liền. Hai anh em nó đá bóng nhiều năm dành dụm được 1,8 tỉ đồng đổ hết vô hai sân này. Bảy năm sau gia đình tôi sẽ giao hết lại cho địa phương quản lý. Tôi không đặt nặng chuyện lời lỗ mà muốn dành bảy năm tới để trả nợ cho Trà Vinh” - ông Trung tâm sự.

Hai cha con HLV Lương Trung Minh và Lương Trung Tuấn đều lặng lẽ treo giày, “gác kiếm” hồi cuối năm 2009. Rồi họ bất ngờ xuất hiện ở Trà Vinh cùng cựu trọng tài Lương Trung Việt (em trai HLV Trung) “tái hợp” tại hai sân cỏ nhân tạo với vai trò mới: chủ sân kiêm HLV cho trẻ em nghèo người dân tộc Khmer, trọng tài, người tổ chức các giải bóng đá năm người cho các cơ quan, ban, ngành, xã phường ở Trà Vinh.

Hiện Lương Trung Tuấn đã có bằng B HLV chuyên nghiệp nên làm công tác huấn luyện cũng thuận tay. Còn cựu trọng tài Lương Trung Việt dù sa cơ thất thế nhưng vẫn rất đam mê quả bóng. Ngày nào Việt cũng có mặt ở sân bóng giúp ông Minh điều khiển các trận đấu trên sân, vừa hướng dẫn luật cho người chơi.

Nói chuyện với chúng tôi được vài phút, Lương Trung Tuấn phải chạy ra sân cùng với bọn trẻ người Khmer đang vẫy tay gọi “thầy Tuấn” í ới. Vì các trận đấu diễn ra liên tục nên cựu trọng tài Lương Trung Việt cũng cầm còi suốt cả buổi.

 

Học sinh Trường Phạm Thái Bường chơi bóng ở thị xã Trà Vinh - Ảnh: V.T.

Thích đá bóng hơn... Nâng ly

18g, đèn cao áp đã mở sáng choang. Bên ngoài năm sân bóng đá mini cỏ nhân tạo Bình Sport tại phường 6, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) có hơn 100 người vừa nhiệt tình cổ vũ, vừa chờ tới lượt mình xỏ giày ra sân. Trong số này có đủ mọi thành phần gồm: học sinh, công chức, công nhân, thợ sửa xe gắn máy, thợ hớt tóc, doanh nhân, cựu tuyển thủ Tiền Giang, Hải Quan, Cảng Sài Gòn.

“Hôm qua tuyển thủ U-23 VN Nguyễn Thành Long Giang cũng tới đây đá “phủi” vì đang bị kỷ luật, không được đá sân lớn. Ngày nào cũng có hơn 300 người tới đây, vui lắm!” - Cổ Hoàng Tuấn kể.

Lưu Thanh Phong, 38 tuổi, làm nghề lái xe tải ở TP Mỹ Tho, bảo anh mê bóng đá như ôm vôlăng vậy. Mặc dù nghề lái xe chở thuê giờ giấc bất thường nhưng anh và nhóm bạn hơn 10 người ở phường 6 rất quyết tâm duy trì phong trào. Là người nhiều tuổi nhất nên anh Phong được tín nhiệm bầu làm đội trưởng. Mỗi buổi chiều các thành viên trong đội xách giày tới sân cỏ nhân tạo nhờ đàn anh Cổ Hoàng Tuấn đang quản lý sân “cáp độ” đá vài trận cho đổ mồ hôi mới chịu về.

Phong tâm sự: “Bữa nào đi xa về không kịp, đầu óc bần thần, tay chân tui ngứa ngáy khó chịu lắm. Đá sân cỏ nhân tạo sướng lắm, có cảm giác như mình là cầu thủ chuyên nghiệp vậy”.

Thành viên trong đội của Phong là Nguyễn Hồ Nam nói anh tham gia đội bóng từ hai năm trước. Do không có sân bóng đá nên đội thường xin đá ké ở Bệnh viện K.120. Hôm nào sân này bị “kẹt” thì rủ nhau về các xã ven tìm chỗ đá.

Nam hỉ hả: “Nay có sân cỏ nhân tạo, đã đặt lịch thuê thường xuyên nên chắc chắn chiều nào cũng sẽ có mặt ở đây. Nhóm của tôi ai cũng thích đá bóng. 2-3 tháng nay có sân nên ngày nào cũng đá tới 20-21g mới về, không ai còn thời gian để nhậu nhẹt, ngoại trừ đi đám tiệc. Chơi bóng đá ít tốn tiền mà có được sức khỏe tốt nên anh em trong đội hứa với nhau sẽ hạn chế tối đa bia rượu để 17-18g chiều có mặt ở sân này”.

Tại Trà Vinh, bạn trẻ tới các Sân bóng đá cỏ nhân tạo còn đông hơn đi xem ca nhạc tạp kỹ. 10g trưa chủ nhật trời nắng chang chang mà cả bên trong lẫn bên ngoài hai sân bóng đá Trung Tuấn tại phường 7, thị xã Trà Vinh vẫn nhộn nhịp như chiều tối.

Thạch Thanh Tân, 25 tuổi ở phường 9, thị xã Trà Vinh, nói nhóm của anh đăng ký chơi buổi chiều, nhưng vì “ở nhà buồn nên tranh thủ chạy ra sân xem mấy em học sinh đá cho đỡ nhớ sân”. Tân làm nghề sửa điện thoại ở thị xã Trà Vinh. Bất cứ giờ nào, hễ làm xong anh lấy xe ra sân xem người khác đá. Tân quả quyết: “Chiều thì dứt khoát tôi phải có mặt ở đây. Đố ai rủ được tôi đi nhậu hay tụ tập cà phê cà pháo. Hồi trước toàn đá sân cát bị lún tới cổ chân chạy không nổi mà cũng không bỏ được, nay đá sân cỏ ngon lành thế này càng không thể bỏ”.

“Được đá bóng, con không bỏ học nữa!”

Thạch Saphi, 12 tuổi, người dân tộc Khmer ở phường 7, thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh). Saphi học lớp 6 và đã nghỉ học vì nhà nghèo và cũng không thích đi học. Mấy tháng nay Saphi ở nhà phụ giúp cha mẹ bán bún kiếm sống. Khi nhà họ Lương khai trương hai sân bóng đá nhân tạo trên đường Sơn Thông, phường 7, thị xã Trà Vinh, Saphi và nhóm bạn hơn chục đứa người Khmer ngày nào cũng kéo tới ngồi sát sân bóng đá xem cho tới khi tối mịt mới về.

Thấy bọn trẻ mê bóng đá, HLV Lương Trung Minh dò hỏi: “Con có muốn vô sân đá bóng và muốn thầy dạy đá bóng không?”. Saphi gật đầu lia lịa: “Dạ muốn”. “Nếu thầy dạy con và các bạn con đá bóng, cho vô sân đá không tốn tiền thì con phải hứa đi học lại, bạn con thì không được bỏ học. Có dám hứa không?”. Cả bọn đồng ý ngay.

Thế là cựu tuyển thủ Lương Trung Tuấn được giao nhiệm vụ dạy bọn trẻ vào hai buổi sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Trước khi vào sân tập, “thầy” Tuấn yêu cầu tất cả phải báo cáo tình hình học tập, nộp thời khóa biểu tuần sau, kiểm tra xem có ai nghỉ học không. Em nào đã nghỉ học trước đây thì nhắc lại lời hứa khi nào sẽ trở lại lớp.

Thương bọn nhóc ốm toong ốm teo, da ngăm đen, chân trần miệt mài quần thảo với trái bóng không biết mệt, HLV Tuấn chỉ bảo từng động tác rất tận tình. Vừa kết thúc buổi tập, hai anh em ruột Kiên Đaui (12 tuổi) và Kiên Uiđa (15 tuổi) nói với “thầy” Tuấn: “Con sẽ cố gắng đi học, không bỏ học đâu vì đi học mới được thầy dạy đá bóng...”.

Theo Tuổi Trẻ


Tin mới hơn:

  • Cỏ nhân tạo sẽ quay trở lại sân bóng
  • Cầu thủ chân đất đá sân cỏ nhân tạo
  • Đá bóng trên sân cỏ nhân tạo: Sạch, đẹp như... Đi chơi !

 


Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.